Nguyên nhân trẻ khóc dạ đề và cách khắc phục hiệu quả
Ngày đăng: 20/02/2025
Khóc dạ đề là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh, gây ra nhiều lo lắng và mệt mỏi cho cha mẹ. Vậy khóc dạ đề là gì? Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng này và cha mẹ có thể làm gì để khắc phục triệu chứng này?
Khóc dạ đề là gì ?
Khóc dạ đề (hay còn gọi là hội chứng colic) là tình trạng trẻ khỏe mạnh khóc dai dẳng, kéo dài và không rõ nguyên nhân. Các cơn khóc thường xuất hiện vào buổi chiều hoặc tối, mỗi cơn có thể kéo dài vài phút đến vài giờ. Trẻ khóc dạ đề thường có biểu hiện khóc to dữ dội, kèm theo các triệu chứng như ưỡn người, cong lưng, nắm chặt tay, đỏ mặt.
Nguyên nhân gây ra khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra khóc dạ đề vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể góp phần gây ra hiện tượng này bao gồm:
Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện: Trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa non nớt, dễ bị đầy hơi, khó tiêu, gây đau bụng và quấy khóc.
Dị ứng đạm sữa: Một số trẻ có thể bị dị ứng với protein trong sữa bò, gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, nôn trớ và khóc dạ đề.
Mẹ sử dụng chất kích thích: Việc mẹ sử dụng các chất kích thích như caffeine, nicotine trong thời gian cho con bú có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ, làm trẻ quấy khóc nhiều hơn.
Trẻ bị trào ngược dạ dày: Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng thức ăn và axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác nóng rát, khó chịu ở trẻ.
Mẫn cảm thần kinh: Một số nghiên cứu cho thấy trẻ bị khóc dạ đề có thể có hệ thần kinh nhạy cảm hơn, dễ bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài.
Các nguyên nhân khác: Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác có thể gây ra khóc dạ đề như đau bụng do đầy hơi, táo bón, nhiễm trùng tai, quá tải cảm giác, nhức đầu…
Mẹ thường băn khoăn khi trẻ bị khóc dạ đề nên làm gì ? Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả giúp cha mẹ xử trí, giảm bớt khó chịu ở trẻ.
Kiểm soát môi trường xung quanh: Tạo môi trường yên tĩnh, ánh sáng dịu nhẹ, nhiệt độ phòng mát mẻ để giúp trẻ thư giãn.
Thay đổi cách cho trẻ bú: Cho trẻ bú đúng cách, chia nhỏ bữa ăn, ợ hơi cho bé sau khi bú để giảm thiểu tình trạng đầy hơi, khó tiêu.
Dỗ dành trẻ: Bế trẻ, vỗ về, nói chuyện với trẻ, quấn bé để tạo cảm giác an toàn, ấm áp cho trẻ.
Giọng nói của mẹ: Mẹ có thể ôm con vào lòng, sử dụng phương pháp hỗ trợ ngủ hay hỗ trợ vào giấc. Kết hợp âm thanh “Shùu” từ mẹ, bé sẽ cảm thấy an toàn và ngưng quấy khóc.
Massage cho trẻ: Massage nhẹ nhàng vùng bụng của trẻ có thể giúp giảm bớt đầy hơi, khó chịu.
Sử dụng white noise (tiếng ồn trắng):Tiếng ồn trắng có thể giúp trẻ thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Các phương pháp khác: Ngoài ra, cha mẹ có thể thử các phương pháp khác như tắm nước ấm cho bé, đưa bé đi dạo bằng xe đẩy hoặc địu, cho bé ngậm ti giả…
Thông thường, khóc dạ đề là hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ sơ sinh và sẽ tự hết khi trẻ được 3-4 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khóc dạ đề có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm tai giữa, tắc ruột…
Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu trẻ có các dấu hiệu sau:
Khóc kéo dài hơn 3 giờ mỗi ngày.
Trẻ sốt cao, nôn trớ, tiêu chảy.
Trẻ bỏ bú, sụt cân.
Trẻ có biểu hiện bất thường khác.
Lời khuyên dành cho cha mẹ
Việc chăm sóc trẻ bị khóc dạ đề luôn gây ra nhiều căng thẳng và mệt mỏi. Cha mẹ hãy ghi nhớ những lời khuyên sau đây để giúp con thôi khóc dạ đề:
Giữ bình tĩnh: Khi trẻ khóc, cha mẹ hãy cố gắng giữ bình tĩnh để có thể dỗ dành trẻ hiệu quả hơn.
Quan sát trẻ: Chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ để tìm ra nguyên nhân gây khóc và có cách xử lý phù hợp. Xác định biểu hiện của con là khóc dạ đề hay con đang catnap.
Tìm kiếm sự giúp đỡ: Trong trường hợp con vẫn không ngừng quấy khóc và ba mẹ cảm thấy quá mệt mỏi, căng thẳng. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân hoặc chuyên gia y tế. Cảm xúc tiêu cực sản sinh từ người chăm sóc trực tiếp cho trẻ sẽ làm triệu chứng khóc dạ đề của con trầm trọng hơn.
Chăm sóc bản thân: Mẹ đừng quên chăm sóc bản thân, để có đủ sức khỏe và tinh thần chăm sóc cho bé. Cảm xúc tích cực luôn đem đến cho con cảm giác an toàn nhất cha mẹ nhé.
Câu hỏi thường gặp của mẹ khi trẻ khóc dạ đề
Khóc dạ đề bao lâu thì hết ?
Thông thường, khóc dạ đề là hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ sơ sinh và sẽ tự hết khi trẻ được 3-4 tháng tuổi.
Trẻ sơ sinh khóc thét từng cơn có phải là khóc dạ đề không ?
Đây là biểu hiện tiêu biểu của hiện tượng trẻ khóc dạ đề. Trẻ sơ sinh khóc thét từng cơn, đặc biệt là vào buổi chiều tối hoặc đêm.